Đào tạo ngành y dược trăm hoa đua nở, cảnh báo hậu quả khôn lường

Ngày tạo 12/01/2021

 -  1.390 Lượt xem

Mới nhất, Trường ĐH Hoa Sen vừa thông báo dự kiến mở mới 4 ngành liên quan đến lĩnh vực sức khỏe gồm răng hàm mặt, dược, kỹ thuật y sinh và quản lý bệnh viện dù từ trước đến nay trường này vốn có thế mạnh đào tạo các ngành kinh tế, nhà hàng khách sạn...

Nếu như trước đây, khối ngành sức khỏe chỉ có các trường chuyên về sức khỏe hay một số trường ĐH công lập, ĐH vùng đào tạo thì vài năm gần đây, số trường ngoài công lập được phép mở ngành, đào tạo nhóm ngành sức khỏe tăng lên rất nhiều. Trong số các trường tham gia "cuộc đua", đáng chú ý là Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng dự kiến mở đồng loạt 8 ngành mới liên quan đến lĩnh vực sức khỏe trong năm nay gồm: y học cổ truyền, kỹ thuật hình ảnh y học, sức khỏe răng miệng, hộ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc bệnh trẻ em (điều dưỡng), kỹ thuật phục hồi chức năng, quản lý bệnh viện.

Sinh viên ngành y dược một trường đại học trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trước đó, trường này đã mở ngành tuyển sinh, đào tạo các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, dược, điều dưỡng. Như vậy, số ngành sức khỏe của trường này thậm chí còn nhiều hơn những trường chuyên đào tạo y dược khác như Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hay Trường ĐH Y dược Cần Thơ.

Nhiều trường ĐH khác cũng tiếp tục lấn sân sâu hơn vào đào tạo ngành về lĩnh vực sức khỏe. Trong đó, Trường ĐH Văn Lang sẽ tuyển mới ngành y khoa và y học cổ truyền. Như vậy, trường này sẽ tuyển sinh, đào tạo 6 ngành khối sức khỏe, trong đó bao gồm những ngành đã mở trước đó là răng hàm mặt, dược, kỹ thuật xét nghiệm y học và điều dưỡng.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng dự kiến mở mới 2 ngành khối sức khỏe là điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học trong kỳ tuyển sinh năm nay. Hàng loạt trường ĐH khác cũng đã được đào tạo ngành y đa khoa, dược như Trường ĐH Duy Tân, Phan Châu Trinh, Buôn Ma Thuột, Nguyễn Tất Thành, Nam Cần Thơ, Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, Đại Nam...

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - tư vấn cơ hội trúng tuyển ngành y đa khoa cho thí sinh trong chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhiều băn khoăn

Ông Ngô Minh Xuân - hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho rằng việc cho phép đào tạo nhóm ngành sức khỏe tràn lan là thực trạng đáng lo ngại. Ngành khoa học sức khỏe khá đặc thù nên nếu đầu vào thấp, quá trình đào tạo không thực sự chuẩn thì đầu ra cũng sẽ khó cao. "Đối với ngành y, dạy và học ở bệnh viện rất quan trọng, giúp sinh viên có kỹ năng cũng như va chạm với thực tế, chứ không chỉ có ở trường. Nên ngoài cơ sở vật chất, đội ngũ còn có kinh nghiệm tổ chức và phối hợp giảng dạy cùng y bác sĩ tại bệnh viện" - ông Xuân chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết nhiều trường đào tạo sẽ có thêm nhiều lựa chọn cho thí sinh. Nếu điều kiện đảm bảo chất lượng khi thẩm định mở ngành được trường duy trì suốt quá trình đào tạo sẽ không có vấn đề gì. Chẳng hạn để mở ngành y - dược phải có các phòng thực hành thí nghiệm và tùy điều kiện mà số lượng sinh viên được tuyển mỗi khóa là bao nhiêu.

Tuy nhiên có trường hợp chỉ được cho phép tuyển 50 chỉ tiêu nhưng trường tuyển 100 - 200 chỉ tiêu, như vậy là không đảm bảo điều kiện chất lượng, người học không được thực hành đủ, nhất là với các ngành đặc thù đòi hỏi phải thí nghiệm thực hành nhiều như y, dược.

"Quan trọng là khâu hậu kiểm để giám sát chất lượng. Tôi biết có trường lúc mới mở đảm bảo chất lượng tốt nhưng càng về sau càng đông sinh viên, chất lượng không được đảm bảo như ban đầu. Không ít giáo sư lớn tuổi, họ có kinh nghiệm và kiến thức rất tốt nhưng liệu họ còn sức để dạy trực tiếp không hay chỉ đứng tên cho đủ điều kiện mở ngành, tuyển sinh?" - ông Khôi đặt vấn đề.

Cũng theo ông Khôi, với đặc thù ngành y, dạy ở trường chỉ là một phần, học ở bệnh viện mới quan trọng vì giúp sinh viên tiếp cận và học hỏi thực tế dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. "Trường ĐH Y dược TP.HCM có người làm ở hầu hết các bệnh viện nên sẽ đảm bảo sinh viên được hướng dẫn và học thực tế tại bệnh viện. Nếu trường không làm tốt việc hợp tác, sinh viên cũng mang tiếng đi bệnh viện nhưng chỉ để nhìn chứ không phải học thực tế, như thế sẽ khó có chất lượng" - ông Khôi nói thêm.

Cùng quan tâm đến việc hậu kiểm, ông Ngô Minh Xuân cho rằng liên bộ Y tế và GD-ĐT cần có giải pháp hậu kiểm để đảm bảo chất lượng.

"Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo thi chứng chỉ hành nghề đối với người tốt nghiệp y khoa. Đây cũng là giải pháp cần thiết để đánh giá chất lượng đào tạo, những người đủ điều kiện tham gia khám chữa bệnh. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một bước chặn phía sau, trước đó phải có giải pháp giám sát chất lượng đào tạo. Nên có quy hoạch trường y để vừa đảm bảo đào tạo nguồn lực chất lượng, vừa tránh trường hợp khủng hoảng thừa như ngành sư phạm thời gian qua" - ông Xuân nói.

Ông Khôi cũng cho rằng khi có kỳ thi năng lực hành nghề, có thể không phải ai học y cũng đủ chuẩn khám chữa bệnh. "Khi đó sẽ có sự phân hóa dựa vào tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp được cấp chứng chỉ, đánh giá chính xác chất lượng đào tạo các trường chứ không như hiện nay bằng cấp trường nào cũng như nhau" - ông Khôi nói.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Chất lượng không đảm bảo, hậu quả khôn lường

Đào tạo y khoa là lĩnh vực đặc thù, có ảnh hưởng và tác động lâu dài sau này. Nếu chất lượng đào tạo không đảm bảo, bác sĩ được đào tạo không chuẩn mực sẽ để lại những hậu quả khôn lường sau này bởi nó liên quan đến sức khỏe, khám và chữa bệnh cho con người" - ông Ngô Minh Xuân nhận xét.

Từ kinh nghiệm thực tế, một bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết ở khoa nơi ông làm việc có hướng dẫn sinh viên hai trường ĐH đào tạo y khoa, trong đó có một trường công tại TP.HCM và một trường ngoài công lập ở tỉnh.

Theo bác sĩ này, sinh viên trường công học ở bệnh viện liên tục và có năng lực tốt hơn rất nhiều, được người của bệnh viện giảng dạy trực tiếp bởi bác sĩ của khoa cũng là giảng viên của trường.

Trong khi đó, sinh viên trường ngoài công lập được một người từng làm ở bệnh viện gửi thực tập nên nhận và hầu như không có người đào tạo trực tiếp tại bệnh viện, thời gian tại bệnh viện cũng chỉ bằng 1/3. Do đó, chất lượng sinh viên ngành y của hai trường rất khác nhau.

Trường nói không mở ngành theo phong trào

Trong giờ học của sinh viên ngành y dược - Ảnh: NHƯ HÙNG

Giải thích về việc "lấn sân" đào tạo khối ngành sức khỏe, ông Nguyễn Ngọc Huy - phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen - cho biết sức khỏe là ngành đào tạo có điều kiện với sự thẩm định của liên bộ GD-ĐT và Y tế. Tập đoàn Nguyễn Hoàng và các trường thành viên của tập đoàn này có kinh nghiệm và khảo sát nhu cầu nhân lực khối ngành sức khỏe. Ông Huy nói trường không mở ngành theo phong trào.

Về điều kiện đảm bảo chất lượng, phòng thực hành thí nghiệm, ông Huy cho biết Tập đoàn Nguyễn Hoàng chuẩn bị đầu tư riêng một khu thực hành thí nghiệm hiện đại cho khối ngành sức khỏe. Trong đó có những phòng dùng chung cho các trường thành viên, có khu vực phòng riêng của mỗi trường.

Trong khi đó, đại diện một trường ĐH tại TP.HCM cho biết thực tế nhu cầu học một số ngành sức khỏe của thí sinh rất lớn trong khi điểm chuẩn vào một số trường chuyên y dược rất cao, vượt tầm của thí sinh. Thực tế ngành dược của trường tuyển sinh rất tốt so với mặt bằng chung các ngành khác trong trường, điểm chuẩn cũng tương đối, nhất là khi Bộ GD-ĐT áp điểm sàn cho khối ngành sức khỏe.

"Khi mở ngành, việc thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng được thực hiện rất kỹ, trường đáp ứng được mới có quyết định cho phép mở ngành đào tạo. Do đó, chất lượng đào tạo cũng không có gì đáng lo ngại" - ông này nói.

Các nước đào tạo ngành y: chi phí "khủng", nhiều thời gian

Sinh viên theo học ngành y ở Mỹ - Ảnh: US NEWS AND WORLD REPORT

Ở Mỹ, từ khi trở thành sinh viên đến lúc có thể hành nghề mất 11-15 năm tùy chuyên ngành. Bốn năm đầu tiên, sinh viên dành cho chương trình dự bị y khoa, được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản. Đây cũng là giai đoạn thử thách đầu tiên, một phần để sinh viên xem xét mình có thật sự phù hợp với ngành hay không.

Nguồn: https://tuoitre.vn/dao-tao-nganh-y-duoc-tram-hoa-dua-no-canh-bao-hau-qua-khon-luong-20210112081406593.htm

 

Phòng truyền thông TTTS
x

 

Gọi 0977 65 66 69