PHÒNG CÔNG TÁC SINH VIÊN VÀ QUAN HỆ DOANH NGHIỆP
(Tên gọi cũ: Phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên)
*****
I. CHỨC NĂNG
- Tham mưu, giúp Hiệu trưởng trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ:
- Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên; quản lý sinh viên và sinh viên nội trú tại Ký túc xá trong suốt quá trình đào tạo; thực hiện các chế độ chính sách đối với sinh viên; và các hoạt động khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của sinh viên.
- Hợp tác với các doanh nghiệp và tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho sinh viên;
- Thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên của trường.
II. NHIỆM VỤ
1. Về công tác Giáo dục chính trị tư tuởng
- Lập kế hoạch, tổ chức triển khai và sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị của Bộ chính trị, của Ban thường vụ Đảng ủy KCX và KCN TP.HCM về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho toàn cán bộ, giảng viên, nhân viên.
- Lập kế hoạch và tổ chức tuần sinh hoạt “công dân HSSV” đầu năm học, đầu khóa học; kế hoạch giáo dục ngoại khoá cho sinh viên.
- Tổ chức giáo dục đạo đức, tác phong, nề nếp học tập, sinh hoạt cho sinh viên; tổ chức giao ban định kỳ, đột xuất đánh giá, nhận xét kết quả rèn luyện và điểm thi đua cho sinh viên theo quy chế.
- Tổ chức triển khai công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên; phối hợp tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ và các hoạt động ngoài giờ lên lớp khác; tổ chức đối thoại định kỳ giữa Hiệu trưởng với sinh viên.
- Thường xuyên theo dõi tình hình tư tưởng sinh viên ngoại trú phản ánh kịp thời với Lãnh đạo nhà trường và chủ động đề xuất các biện pháp thích hợp về công tác giáo dục tư tưởng sinh viên và các biện pháp khác nhằm hạn chế, ngăn chặn ảnh hưởng xấu của các luồng tư tưởng, văn hoá đồi truỵ, các tệ nạn xã hội đối với sinh viên.
- Theo dõi công tác phát triển Đảng trong sinh viên; tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tham gia tổ chức Đảng, các đoàn thể trong trường; phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên và các tổ chức chính trị - xã hội khác có liên quan trong các hoạt động phong trào của sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường rèn luyện, phấn đấu.
- Tổ chức Lễ Khai giảng, phối hợp tổ chức Lễ 20/11, Lễ Tốt nghiệp.
2. Về công tác Quản lý sinh viên
- Tổ chức tiếp nhận thí sinh trúng tuyển vào học theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cấp mã số sinh viên, sắp xếp bố trí vào các lớp sinh viên; chỉ định Ban cán sự lâm thời của các lớp; làm thẻ cho sinh viên.
- Thống kê, tổng hợp dữ liệu, quản lý hồ sơ của sinh viên.
- Giải quyết các công việc hành chính có liên quan cho sinh viên.
- Thực hiện việc cấp giấy xác nhận cho sinh viên về vay vốn tín dụng, tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, sơ yếu lý lịch, xác nhận sinh viên…
- Tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của sinh viên.
* Thực hiện các Chế độ chính sách và các hoạt động khác liên quan cho sinh viên
- Căn cứ chế độ học bổng, giảm học phí hiện hành, tổ chức xét cấp học bổng và miễn giảm học phí cho sinh viên; xét cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên theo quy định hiện hành.
- Trên cơ sở những quy định, quy chế hiện hành theo dõi, đánh giá ý thức học tập, rèn luyện của sinh viên; phân loại, xếp loại sinh viên cuối mỗi học kỳ, năm học, khoá học; kiến nghị các hình thức biểu dương, khen thưởng tập thể và cá nhân sinh viên đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện; kiến nghị các hình thức kỷ luật đối với những sinh viên vi phạm quy chế, nội quy; chuyển các sinh viên bị thi hành kỷ luật ở mức đình chỉ học tập, buộc thôi học trở về địa phương. Thực hiện các báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác rèn luyện, giáo dục sinh viên
- Thường trực Hội đồng Thi đua- Khen thưởng, Hội đồng Kỷ luật sinh viên, Hội đồng xét học bổng, trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí cho sinh viên.
- Thông tin kịp thời cho phụ huynh sinh viên để giải quyết các vụ việc liên quan với công tác giáo dục sinh viên.
- Giải quyết các thủ tục nghỉ phép, nghỉ hè, nghỉ tết cho sinh viên theo quy định.
- Phối hợp với các phòng chức năng, khoa và Đoàn trường tổ chức hội thi sinh viên giỏi định kỳ theo kế hoạch chung của trường.
3. Về Hợp tác doanh nghiệp và Giới thiệu việc làm:
- Xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, cựu sinh viên phục vụ cho các hoạt động quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên của trường;
- Chủ động xúc tiến kêu gọi tài trợ học bổng cho sinh viên từ các doanh nghiệp, cựu sinh viên, các tổ chức và cá nhân hợp tác với Trường; là đơn vị tham mưu, đề xuất cho Hiệu trưởng phương án tổ chức, quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ học bổng doanh nghiệp;
- Phối hợp tổ chức các buổi giao lưu nghề nghiệp, các hoạt động đào tạo nhằm tăng cường hoạt động giao lưu giữa nhà trường với doanh nghiệp, phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên;
- Quản lý chuyên mục việc làm (bán thời gian, toàn thời gian) cho sinh viên của trường trên trang web, thiết lập hệ thống thông tin về việc làm – thực tập, thông tin hai chiều giữa Nhà trường và đơn vị sử dụng lao động;
- Nghiên cứu nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực và nhu cầu sử dụng lao động để tư vấn, giới thiệu cho sinh viên; giúp các đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động lựa chọn sinh viên phù hợp với yêu cầu công việc;
- Phối hợp với các Khoa thành lập và quản lý hiệu quả Ban liên lạc cựu sinh viên của trường;
- Phối hợp tổ chức, tham gia các hoạt động giao lưu, hội chợ việc làm, tọa đàm, hội thảo, hội nghị, diễn đàn với doanh nghiệp.
- Quan hệ với các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho sinh viên; tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, phụ trách tổ chức ngày hội nghề nghiệp, giới thiệu việc làm bán thời gian cho sinh viên;
- Phối hợp các bộ phận chuyên môn lập kế hoạch gắn kết hoạt động Nhà trường với công ty, doanh nghiệp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Điều tra, khảo sát, đánh giá chất lượng đào tạo, việc làm và nhu cầu xã hội, đề xuất chương trình đào tạo cụ thể với từng ngành đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp;
- Liên hệ và triển khai thực hiện để sinh viên tham quan, thực tập tại các doanh nghiệp;
- Giám sát hoạt động tham quan, thực tập của sinh viên tại các doanh nghiệp;
- Tư vấn cho Hiệu trưởng việc tổ chức, triển khai các chương trình đào tạo: Đào tạo kỹ năng mềm cho HSSV, đào tạo lại cho các doanh nghiệp;
- Chủ trì, phối hợp cùng Phòng Đào tạo và các khoa chuyên ngành tổ chức khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên toàn trường sau khi tốt nghiệp.
4. Về công tác Y tế học đường
- Xây dựng nội dung và kinh phí hoạt động của bộ phận Y tế cho từng năm, từng khóa học.
- Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe và điều trị các bệnh thông thường cho cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên trong trường nội dung như sau:
+ Tổ chức phối hợp các phòng liên quan tổ chức khám sức khoẻ định kỳ hàng năm và phân loại sức khoẻ đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên trường.
+ Quản lý hồ sơ sức khoẻ của cán bộ, giảng viên, nhân viên.
+ Sơ cấp cứu khám bệnh, cấp thuốc thông thường; chuyển bệnh nhân lên cơ sở tuyến trên trong những trường hợp cần thiết.
+ Tổ chức khám sức khoẻ cho sinh viên mới vào trường theo quy định hiện hành. Tổng hợp, báo cáo những trường hợp sinh viên không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ để học tập.
- Tuyên truyền, giáo dục, tư vấn các vấn đề liên quan đến sức khoẻ; triển khai công tác bảo hiểm y tế (bắt buộc), bảo hiểm tai nạn thân thể (tự nguyện) cho sinh viên, phối hợp với các cơ quan bảo hiểm, các bộ phận liên quan giải quyết các trường hợp sinh viên bị ốm đau, tai nạn rủi ro; tổ chức giáo dục tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh. Kịp thời phát hiện và báo cáo tình hình dịch bệnh, tổ chức phòng, chống dịch bệnh và các biện pháp cần thiết theo sự chỉ đạo của cơ quan y tế địa phương.
- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện vệ sinh học đường, vệ sinh môi trường, phòng chống các bệnh dịch, bệnh tật học đường, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống HIV và AIDS, các bệnh xã hội và thực hiện các hoạt động khác về y tế trường học.
- Phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương, ngành liên quan trong việc triển khai, thực hiện các hoạt động y tế trường học và các hoạt động y tế khác.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, đoàn thể trong trường thực hiện công tác y tế trường học; xây dựng môi trường trường học lành mạnh, an toàn.
- Thực hiện sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả triển khai công tác y tế trường học theo quy định.
5. Về công tác Ký túc xá (KTX)
- Thường xuyên theo dõi tình hình sinh viên, tổ chức quản lý sinh viên nội trú, phản ánh kịp thời với lãnh đạo trường và chủ động đề xuất các biện pháp thích hợp về công tác giáo dục tư tưởng sinh viên và các biện pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn ảnh hưởng xấu của các luồng tư tưởng, văn hóa đồi trụy, các tệ nạn xã hội đối với sinh viên.
- Bố trí chỗ ở cho sinh viên ở KTX, kiểm tra việc chấp hành Quy chế KTX, thực hiện công tác đăng ký tạm trú cho sinh viên, khách ở lại KTX.
- Điều động sinh viên lao động, trực bảo vệ, trực các ngày lễ, tết... hoặc tham gia các hoạt động khác theo kế hoạch của trường.
- Trực tiếp quản lý KTX và các công trình phục vụ sinh hoạt của sinh viên; thực hiện công tác quản trị KTX; Quản lý tài sản, thực hiện công tác kiểm tra, kịp thời báo cáo bộ phận chức năng sửa chữa điện, nước, nà cửa...; Thực hiện vệ sinh môi trường KTX.
- Thực hiện công tác phát thanh tuyên truyền trong sinh viên tại KTX.
* Trưởng phòng CTSV&QHDN được thừa lệnh Hiệu trưởng ký các văn bản, giấy tờ liên quan đến sinh viên được phân cấp, ủy quyền theo Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trường sau:
+ Giấy xác nhận SV;
+ Giấy xác nhận vay vốn tín dụng của SV
+ Giấy xác nhận diện chính sách của SV;
+ Xác nhận sơ yếu lý lịch của SV;
+ Xác nhận sổ chính sách ưu đãi giáo dục của SV;
+ Xác nhận diện đền bù giải tỏa của SV;
+ Thẻ SV;
+ Hợp đồng mời giảng viên liên quan đến công tác tư tưởng chính trị;
+ Các loại giấy tờ khác thuộc thẩm quyền của phòng.
* Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng giao.