STRESS LÀ GÌ?

Ngày tạo 25/11/2021

 -  5.888 Lượt xem

Stress là một từ tiếng Anh bắt nguồn từ “stringere” trong tiếng Latin, có nghĩa là “kéo căng”. Vì vậy, trong tiếng Việt, dịch “stress” là “căng thẳng” cũng là một cách dịch hợp lý. Hãy hình dung đến “sợi dây thun”. Khi ta kéo căng 2 đầu, sợi dây thun sẽ căng ra và mỏng dần. Nhưng mềm mỏng không có nghĩa là mỏng manh, tiềm chứa trong đó là một lực đàn hồi có thể bung ra rất mạnh bất kỳ lúc nào.

 
    Như vậy có thể hiểu: Stress là một trạng thái thần kinh căng thẳng, bao gồm nhiều yếu tố như vật lý, hóa học và phản ứng của một cá thể đang cố gắng thích nghi với một sự thay đổi hay áp lực từ bên ngoài hoặc bên trong.
    Cái gì gây ra stress?
    Suy nghĩ: cách chúng ta suy nghĩ hay phiên giải những điều đã hoặc sẽ xảy ra đem đến cho chính mình (thường là những suy nghĩ tiêu cực).
    Những căng thẳng từ xã hội và gia đình: Thời hạn của công việc phải hoàn thành, vấn đề tài chính, yêu cầu về thời gian và sự tập trung sức lực vào công việc hay gia đình, mất mát người thân, mâu thuẫn gia đình, bạn bè...
    Môi trường bên ngoài: thời tiết, bụi, tiếng ồn,…
    Vấn đề thể chất: ốm đau, thiếu chất dinh dương,..
    Stress có lợi đấy – bạn có tin không?
    Mỗi người trong chúng ta đều có thể trải qua stress trong một thời điểm nào đó. Nhưng không phải stress nào cũng tiêu cực. Ở tình huống nguy hiểm, stress báo hiệu để cơ thể chuẩn bị đối mặt với mối đe dọa, vì vậy mạch của bạn sẽ đập nhanh hơn, bạn thở nhanh hơn, cơ bắp căng cứng và não của bạn sử dụng nhiều oxy hơn và tăng hoạt động của tất cả các chức năng nhằm mục đích sống sót và ứng phó với căng thẳng. Ngược lại, các tình huống không đe dọa đến tính mạng, stress có thể thúc đẩy mọi người, chẳng hạn khi họ cần làm bài thi hoặc chuẩn bị thực hiện các sự kiện quan trọng. Vì vậy, có thể xem căng thẳng là một phần của cuộc sống.
    Nhưng stress quá mức và kéo dài sẽ dẫn đến hệ quả tiêu cực, yếu tố gây stress có thể xảy ra một lần hoặc trong một khoảng thời gian ngắn, hoặc cũng có thể xảy ra lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Khi stress quá mức và kéo dài, việc ứng phó với tác động của stress mãn tính có thể là một thách thức. Với stress mãn tính, những phản ứng bên trong cơ thể có thể làm rối loạn hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tim mạch, giấc ngủ và sinh sản. Một số người có thể gặp các triệu chứng tiêu hóa, hoặc có thể bị đau đầu, mất ngủ, buồn bực, cáu kỉnh. Theo thời gian, stress có thể góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim, huyết áp cao, tiểu đường và các vấn đề khác, bao gồm các rối loạn như trầm cảm hoặc lo âu.
    Biểu hiện của stress (có 3 khía cạnh)
    Về cảm xúc: Cảm thấy khó chịu, lo lắng hoặc căng thẳng, buồn bã, chán nản, thờ ơ, hay đánh mất giá trị bản thân.
    Về hành vi:
Nổi cáu, bực bội hoặc nóng tính
Hay quên hoặc trở nên vụng về
Luôn vội vàng và hấp tấp
Ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít
Xáo trộn các sinh hoạt hàng ngày như ăn uống hoặc giấc ngủ…v…v…
    Về thể chất: Đau nhức đầu, đau bụng, đổ mồ hôi, rối loạn tiêu hóa,…
    Một số “tips” giảm căng thăng
Tâm sự với bạn bè, người thân
Cố gắng không đặt nhiều áp lực lên bản thân
Tập thể dục để cải thiện tâm trạng
Ngủ đủ giấc
Chế độ ăn uống cân bằng
Tham gia các hoạt động giúp bản thân vui vẻ
Xây dựng sức khỏe tâm thần tích cực…
    Mỗi bước trưởng thành và phát triển, con người đều phải đối diện với stress.  Còn sống là còn stress, vì vậy, tốt nhất không phải là tránh né mà là học cách để sống chung với stress. Bước đầu tiên để sống hòa hợp với một điều gì đó chính là nhìn ra được lợi ích của nó. Vì thế nên nhớ:
“Stress ở một mức độ phù hợp là cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của con người.”
 
​----------------------------------------------------------------------- 
CÁC KÊNH LIÊN HỆ CỦA CHÚNG TÔI: 
 Chat box “My friend": Nhấp vào đây
 Lưu ý kênh zalo dùng để phản hồi tư vấn, vì vậy các bạn có thể đặt câu hỏi ngay mà không cần gửi lời mời kết bạn. Ban tư vấn chỉ trả lời khi nhận được nhu cầu hỗ trợ từ sinh viên.
 Form đăng ký gặp nhà tư vấn: Nhấp vào đây để đăng ký
 Mail: thamvantamly.ctim@gmail.com
Thịnh Trần
Gọi 0977 65 66 69