Trường Cao đẳng Công nghệ - Quản trị doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (CTIM) được biết đến là nơi đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) tại TP Hồ Chí Minh, là đơn vị đào tạo đi đầu trong việc thực hiện mô hình gắn kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp. Đây thực sự là chiến lược phát triển đúng đắn để có thể cung ứng cho thị trường lao động những “sản phẩm” đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp.
Ông Takahiro Takeda - Phó Tổng giám đốc Công ty Daiwa lance.
Là đơn vị đào tạo trực thuộc Ban quản lý các KCX và KCN TPHCM (HEPZA), trường CTIM có nhiệm vụ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho hơn 1.000 doanh nghiệp trong 3 KCX và 12 KCN tại TPHCM. Làm thế nào tìm ra giải pháp để có thể ổn định và phát triển cả về “chất” và “lượng” trong việc đào tạo, đồng thời giải quyết được đầu ra cho học sinh, sinh viên (HS, SV) của trường là vấn đề khiến PGS-TS Phạm Văn Bôn – Hiệu trưởng nhà trường phải trăn trở.
Sau rất nhiều suy tư và không ít lần phải giải quyết những sự bất đồng quan điểm, ý kiến phản đối… ông đã kết hợp hài hòa được kinh nghiệm từ 30 năm giảng dạy và quản lý tại Đại học Bách khoa TPHCM với môi trường đào tạo mới - Trường CTIM trẻ trung, năng động và tiềm năng. Nhiều vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực đã được mổ xẻ trên hầu khắp các diễn đàn và các phương tiện thông tin đại chúng. Các doanh nghiệp vẫn luôn kêu ca, chỉ trích rằng: “Đào tạo không đáp ứng được yêu cầu mà nếu có tuyển được lao động đã qua đào tạo thì cũng phải đào tạo lại...” có nghĩa là nếu doanh nghiệp không tuyển được đủ lao động theo yêu cầu thì lỗi là do… đào tạo.
Nhìn nhận một cách khách quan, không thể phủ nhận được rằng hệ thống đào tạo của chúng ta đang có những vấn đề bất cập. Điều này được thể hiện qua nhiều vấn đề mà ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo đó là: chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, chưa linh hoạt điều chỉnh và cập nhật để thích nghi với những thay đổi và phát triển của công nghệ trong thời kỳ mới. Mặt khác việc đầu tư về trang thiết bị thực tập cho HS, SV nhất là các ngành kỹ thuật còn chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng thực hành, mà hệ quả này không phải lúc nào cũng có thể đổ lỗi cho “cơ chế”. Một thực tế là các cơ sở đào tạo còn thụ động trong việc đào tạo, tìm hiểu, khảo sát nhu cầu thực tế của các đơn vị sử dụng lao động và thiết lập các mối quan hệ với các doanh nghiệp để từ đó hoạch định chiến lược đào tạo ra những “sản phẩm” chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Để khắc phục thực trạng này, một mô hình đào tạo “gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp” đã được Ban giám hiệu CTIM đưa ra và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Ban quản lý các KCX và KCN TPHCM, đặc biệt là ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban và ông Lâm Văn Tiếp, Phó ban kiêm Chủ tịch HĐQT của trường. Khi mô hình này được triển khai, cũng là lúc CTIM từng bước thay đổi phương pháp dạy và học theo quy luật “cung, cầu”, một quy trình đào tạo khép kín được xác lập: HS, SV CTIM sau khi tiếp thu kiến thức lý thuyết tại trường sẽ được hướng dẫn thực tập trực tiếp trên dây chuyền, công nghệ hiện đại tại các doanh nghiệp trong các KCX và KCN theo từng ngành nghề phù hợp và cuối cùng, khi HS, SV CTIM tốt nghiệp thì cũng chính những doanh nghiệp này tiến hành tuyển chọn những em đủ điều kiện vào làm việc.