CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CHI BỘ TRƯỜNG CTIM NHIỆM KỲ 2020 - 2025

Ngày tạo 07/03/2020

 -  5.982 Lượt xem

Hoàng Na - Trí Triển - Tấn Phát

“Xã hội đương đại không thể không có Marx” (Jacques Derrida)

 

Karl Marx đã từng viết rằng: “Loài người, từ xưa tới nay chỉ đưa ra những nhiệm vụ mà mình có thể thực hiện được, bởi vì chỉ cần quan sát kỹ một chút sẽ có thể phát hiện ra rằng, chỉ khi các điều kiện vật chất để thực hiện các nhiệm vụ ấy đã tồn tại hoặc ít nhất là đang hình thành, thì nhiệm vụ mới xuất hiện” (Lời nói đầu Góp phần phê phán chính trị kinh tế học). Vậy mà có người gọi chủ nghĩa Marx là “chân lý khoa học độc nhất”, thậm chí là “chân lý của vũ trụ”, hoặc nói nó “phù hợp với tất cả” thì rõ ràng, về mặt hình thức nghe có vẻ “hùng hồn” nhưng thực tế thì thiếu sức sống. Bởi nó đan tâm làm cái việc ngông cuồng là cắt đứt sợi dây “máu thịt” giữa chủ nghĩa Marx với văn minh nhân loại, với diễn trình phát triển của lịch sử và đồng nhất chủ nghĩa Marx với hệ thống duy tâm của Hegel nhằm giải thích “mọi thứ trên đời” hoặc tụng ca chủ nghĩa Marx như phương thuốc vạn năng chữa lành bách bệnh. Những cách nghĩ như thế hoàn toàn đi ngược lại ý nghĩa đích thực của chủ nghĩa Marx và nguy hiểm hơn còn làm cho chủ nghĩa Marx bị bẻ cong, và tất yếu sản sinh ra những mầm hiểm họa.

Tin vào chủ nghĩa Marx không phải là đứng ở phía đối lập với những gì được gọi là “phi Marx” mà là đọc cho hết, tìm cho thấy, nắm cho kỹ những “hạt nhân” lý luận trọng yếu của chủ nghĩa Marx và sợi dây liên hệ đa chiều với thế giới bên ngoài. Và, tin vào chủ nghĩa Marx không đồng nghĩa với việc chờ đợi Marx tìm ra phương án cụ thể để giải quyết mọi vấn đề Việt Nam đương đại (đấy là điều bất khả, Marx đã cách xa thời facebook, zalo ngót ngét 200 năm), mà là niềm tin vào chủ nghĩa Marx có thể cung cấp tư duy lý luận biện chứng và định hướng giá trị khoa học để chúng ta đề xuất vấn đề một cách khách quan, phân tích thấu đáo, khoa học, đánh giá chính xác, thận trọng. Xây dựng lòng tin vào chủ nghĩa Marx không có nghĩa là phủ nhận những nan đề chúng ta đối mặt mà là tin tưởng rằng chủ nghĩa Marx không mất đi lý tính phê phán/tinh thần phê phán (critical reason) đối với các hiện trạng đương đại về kinh tế, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, v.v.. Trên cơ sở ấy, vạch một con đường chân xác để đất nước Việt Nam vững tin đi tới.

Phê phán với ý nghĩa trọn vẹn của nó là xây dựng cộng đồng đối thoại/phê phán tạo thành những cặp song thể nhà nước/người dân, tập thể/cá nhân, v.v.. Phê phán để chống những bảo căn, trì trệ và hướng đạt những giá trị vững bền mà nhân loại suốt mấy nghìn năm đấu tranh có được. Trí thức chưa bao giờ ngồi yên, người trí thức cộng sản càng không thể ngồi yên. Tiếng nói của họ, trước tiên là đại diện cho tiếng nói của nhân dân lao động nói chung, trong đó có cả nỗ lực của cá nhân họ về những giá trị cốt tử của chính mình. Nói như thế không phải là cá nhân chủ nghĩa hay chủ nghĩa cá nhân luận mà để gợi lên cái ý quan trọng Marx và Engels đã viết trong đoạn cuối chương II của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản 1848: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.

Trở lại với việc Marx dành cả đời để nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản, chúng ta thấy nổi lên tối đại vấn đề. Chúng ta không thể xây dựng thành công XHCN/XHCS nếu không tường tận “ngọn nguồn lạch sông” chủ nghĩa tư bản là gì? Với nhãn quan của một nhà sử học, ông cố gắng trả lời cho câu hỏi đó. Hơn thế, với nhãn quan của nhà triết học, ông khám phá cho kỳ được bí mật của chủ nghĩa tư bản, chỉ ra cái hạn chế ẩn/hiện nội tại của nó. Và rõ ràng, thâm ý ông muốn nhấn mạnh là xây dựng xã hội mới không phải từ số không mà là làm cuộc biến cải vĩ đại từ những gì nhân loại có. Việt Nam muốn xây dựng thành công XHCN/XHCS thì yếu tố tiên quyết phải đạt được là có trong tay sức mạnh vật chất tương tương với sức mạnh vật chất của chủ nghĩa tư bản. Điều ấy chưa bao giờ dễ dàng và cũng không thể một sớm một chiều có thể hiện thực được.

Việt Nam phải đi một chẳng đường dài, chúng ta không ngồi phỏng đoán bao lâu bởi điều ấy nằm ngoài khả hạn của chúng ta. Marx cũng chưa bao giờ cho hậu thế một một bản đồ tường tận để đi. Nhưng cái chính yếu là Marx đã để lại cho ta những dấu chân khai mở, những viên gạch làm nền và to lớn hơn, mạnh mẽ hơn nữa là tinh thần phê phán triệt để.

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến người thầy vĩ đại của Marx là Hegel (thú thật, chúng ta chẳng thể hiểu Marx một cách đầy đủ nếu không dành một phần đời “cặm cụi” với Hegel). Đoạn trích dẫn dài ở đầu bài dường như in đậm dấu ấn từ mấy câu sau của Hegel trong Lời tựa tác phẩm lừng danh Các nguyên lý của Triết học pháp quyền với một nhận định vừa tỉnh táo vừa cam chịu: “Còn về cá nhân, thì mỗi cá nhân bao giờ cũng là một đứa con của thời đại mình, do đó, triết học, cũng thế, là việc thấu hiểu thời đại của chính mình bằng tư tưởng. Thật điên rồ khi tưởng rằng một nền triết học có thể vượt qua khỏi thế giới hiện tiền của mình, cũng như một cá nhân có thể nhảy ra khỏi thời đại mình…” (Lời Tựa, 20).

  Nhưng, ngay cả việc “nắm bắt thời đại của chính mình bằng tư tưởng” cũng tiền giả định rằng “thời đại” ấy đã “đạt tới trạng thái đã hoàn tất”, tức chỉ nắm bắt cái “hình thái đã trở nên già cỗi”, cái hiện thực đã chết cứng. Con chim cú minh triết chỉ âm thầm “cất cánh lúc hoàng hôn” (Lời Tựa, 22) “trong màu xám [của triết học] vẽ trên màu xám” [của hiện thực đã qua] chứ không còn xuất hiện hiên ngang vào buổi “bình minh” của một thời đại mới của tư tưởng triết học mà Hegel đã hân hoan chào đón khi ông mới bước chân vào giảng tòa của Đại học Berlin ba năm trước (1818)! Sau cùng, ông nhắn nhủ một cách dè dặt: “Bài học do Khái niệm chỉ ra này đã được lịch sử minh chứng một cách tất yếu: chỉ một khi hiện thực đã đạt tới độ chín muồi thì cái lý tưởng mới xuất hiện ra như là cái đối lập lại với cái hiện tồn, nắm bắt thế giới hiện tồn trong bản thể của nó và tái tạo lại thế giới ấy dưới hình thái của một vương quốc trí tuệ” (Lời Tựa, 22).

 Thật khó hiểu hết tâm trạng và nhất là thâm ý của Hegel khi viết những dòng kết thúc này. Một mặt, ông bị giằng co giữa sức mạnh muốn trở thành hiện thực của lý tính và yêu sách muốn được xem là lý tính của hiện thực hiện tồn. Tính nước đôi hay thế lưỡng nan ấy của Hegel sẽ được các nhà Hegel trẻ sớm nhận ra (trong đó có Marx). Nhưng, mặt khác, vương quốc của trí tuệ để tái tạo lại thế giớ ikhông khỏi kín đáo gợi lên hình ảnh một con phượng hoàng - chứ không chỉ là con chim cú - còn ẩn mình để đợi lúc trỗi dậy từ đống tro tàn!

Lịch sử tư tưởng sinh động biết nhường nào. Vì thế, việc trở lại với Marx với đầy đủ sự tỉnh táo, lắng đọng và tinh thần phê phán sẽ góp phần to lớn cho cuộc hành trình mà dân tộc lựa chọn. Chỉ khi nào, những chùm hoa tư tưởng chín mọng trên mảnh đất hiện thực trần thế thì lúc ấy tư tưởng mới dám vỗ ngực tự tin chiến thắng đã sinh thành./.

 

 

x

 

Gọi 0977 65 66 69